Đồng thuận mở cửa
Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, đối tượng nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và các cá nhân được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Hình thức sở hữu nhà ở cũng đa dạng hơn khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại VN theo pháp luật; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh).
Dự thảo nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam bao giờ cũng có nhu cầu một chỗ ở ổn định.
Tuy nhiên, dự thảo này còn đi xa hơn việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng nước ngoài.
Tham vọng của các nhà làm chính sách là Luật nhà ở “không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển”. Nhiều ĐBQH tin tưởng việc mở cửa sẽ có sức mạnh “phá cục máu đông” của thị trường bất động sản.
ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) dẫn chứng, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được nhiều nước áp dụng như biện pháp xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thậm chí còn đề nghị mở rộng quyền sở hữu nhà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài hơn nữa, như có quyền cho thuê lại để đảm bảo công bằng với công dân Việt Nam.
Mạnh dạn để không lỡ thời cơ
Quy định được kỳ vọng đem lại sự đột phá nhất cho Dự thảo Luật nhà ở là “cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà”. Với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở như hạn chế về số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư cũng như số lượng nhà ở riêng lẻ trong một khu vực dân cư, không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh… Dự thảo hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước và vấn đề quốc phòng, an ninh.
Thực tế, Dự thảo cũng như điều khoản cho phép “cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà” được đưa ra trên cơ sở đã tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, dù số người nhập cảnh vào Việt Nam trong những năm gần đây rất lớn, chỉ riêng năm 2012 có 6,5 triệu người nhập cảnh nhưng, tính đến hết tháng 1.2014, mới có 750 Việt Kiều và cá nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 80% trong số các cá nhân nước ngoài mua nhà đã kết hôn với công dân Việt Nam.
Điều này cho thấy, Luật hiện hành chỉ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho những người nước ngoài đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Và thực tế, ngay cả hiệu quả giải quyết nhu cầu nhà ở cũng rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân, theo Báo cáo đánh giá tác động dự án luật là quy định và thủ tục pháp lý của Việt Nam quá chặt chẽ và rườm rà, khiến một nguồn vốn lớn từ nước ngoài không thể khơi thông được dù đã sẵn sàng.
“Cục máu đông” của thị trường bất động sản, do đó vẫn chưa thể được đánh tan! Và nếu quy định cho “cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà” không được thông qua thì “cục máu đông” này về cơ bản cũng không có nhiều hy vọng được giải tỏa.
So với thế giới, việc mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài tại nước ta đang diễn ra khá chậm, dù yêu cầu của nền kinh tế đã rất bức thiết. Thị trường bất động sản đang cần một sinh khí mới để phát triển. Việc rộng cửa cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài sẽ đem lại nguồn lực quý giá để thúc đẩy thị trường bất động sản mà không cần “lạm” ngân sách. Đặc biệt, việc mở cửa thực sự cho người nước ngoài mua nhà sẽ khơi thông phân khúc cao cấp, từ đó tác động tích cực đến toàn thị trường.
Ngoài ra, việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh cho Việt Nam và và phù hợp thông lệ quốc tế.
Lịch sử làm chính sách Việt Nam đã có nhiều ví dụ cho thấy, việc nới từ từ không dám đột phá đã làm “lỡ tàu” nhiều cơ hội phát triển. Do đó, với quan điểm chung đã đồng thuận ủng hộ, thị trường đang trông đợi, quy định mang tính đột phá là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ sớm được Quốc hội thông qua.